Kinh nghiệm phỏng vấn xin việc ngành lập trình

9/18/2020 2:12 PM | Kiến thức

Ở Việt Nam, lập trình là một ngành khá dễ xin việc. Chỉ cần có khả năng code kha khá, các bạn đã có thể dễ dàng xin việc với mức lương tạm ổn so với các ngành khác, không cần phải quen biết, lót tay hay con ông cháu cha gì.

Những điều trường đại học không dạy bạn, kĩ năng viết CV và phỏng vấn xin việc là những kĩ năng quan trọng không được dạy ở trường. Theo yêu cầu của một số bạn, mình viết bài này nhằm chia sẻ một số kiến thức về cách viết CV + xin việc cho các bạn sinh viên đang học hoặc mới ra trường.

Ở Việt Nam, lập trình là một ngành khá dễ xin việc. Chỉ cần có khả năng code kha khá, các bạn đã có thể dễ dàng xin việc với mức lương tạm ổn so với các ngành khác, không cần phải quen biết, lót tay hay con ông cháu cha gì.

Các trang web dưới đây là những web site về việc làm lớn nhất Việt Nam hiện tại. Đây là những kênh trung gian giữa các nhà tuyển dụng và người tìm việc, do đó mình khuyên các bạn đang tìm việc hãy tạo 1 CV online cho mỗi trang này:

Lâu lâu vẫn có nhân sự công ty khác gọi mình mời phỏng vấn, không cần nộp gì do họ đã xem CV trên mạng rồi. (Do mình đang có việc làm nên đành từ chối, bạn nào muốn có thể liên hệ mình, mình sẽ giới thiệu cho họ, lợi cả 2 bên nhé).  Cá nhân mình khuyến khích các bạn nên trau chuốt CV trên linkedin, chức năng connect của trang này cho phép bạn kết nối với nhiều người (đồng nghiệp, cấp trên), mở rộng mạng lưới nghề nghiệp của bạn.

Viết CV + nộp đơn xin việc

1. Nội dung

Do đã có vô số các bài viết hướng dẫn viết CV trên mạng rồi, mình sẽ không nhắc lại. Nếu bạn chưa biết viết CV như thế nào, hãy tìm một CV mẫu cho vị trí của mình (vd bạn là junior developer hãy xem CV mẫu của 1 junor dev, tương tự với junior QC), chỉnh sửa một tí cho phù hợp. Format CV của linkedin cũng khá ổn; chỉ cần bê các phần từ trên linkedin về, chỉnh sửa một chút là bạn đã có một CV khá chuẩn.

Một điều cần lưu ý: Hãy chỉnh sửa CV cho phù hợp với vị trí bạn ứng tuyển. Giả sử bạn biết cả  C#, Java, Python, nhưng công việc bạn ứng tuyển đòi hỏi C# MVC, hãy để các kĩ năng và dự án liên quan tới C# lên đầu trong CV.

2. Cách trình bày

CV có thể không đẹp lộng lẫy, nhưng phải rõ ràng và ngắn gọn. Cỡ chữ nên phù hợp là 12-14, sử dụng 1 số font cơ bản như Times New Roman, Arial. Các phần đề mục nên viết rõ ràng, in đậm, nhìn lướt qua có thể đọc được các đề mục này. Dân IT chúng ta cũng không quá bắt bẻ về mặt hình thức, nhưng các bạn nên chịu khó canh thẳng hàng thẳng lối, đồng thời soát kĩ các lỗi chính tả. Những điều nhỏ nhặt này sẽ thể hiện tính chuyên nghiệp và sự cẩn thận của bạn.

Các bạn cũng nên export file CV ra dưới dạng PDF, máy nào cũng mở được. Nếu để dạng Word có thể sẽ bể font, bể format, ảnh hưởng chất lượng CV. CV nên đặt tên theo format “[Tên vị trí] Tên bạn“, giúp nhà tuyển dụng dễ đọc và phân loại (Hoặc bạn đặt theo format mà nhà tuyển dụng đưa ra trong quảng cáo tuyền người). Đây là CV của mình, không đẹp cũng không pro nhưng khá chỉn chu. Các bạn có thể tham khảo và góp ý: [Developer][Pham Huy Hoang] Resume.pdf

Một số sai lầm mà các bạn (và mình ngày xưa) từng gặp phải khi viết CV:

  • Ảo tưởng sức mạnh: Không biết vô tình hay cố ý mà trong phần kĩ năng, tự đánh giá trình độ của mình là Intermediate, Expert, hoặc Master, dù mới ra trường, chỉ mới làm 1,2 cái đồ án, chưa làm dự án doanh nghiệp nào. Nếu đã từng làm qua 1 công nghệ, các bạn nên ghi thời gian đã tiếp xúc với công nghệ đó, vậy là đủ. Trình độ bạn ở mức nào thì người phỏng vấn sẽ tự xác định, bạn có nói mình là Master họ cũng không tin đâu.
  • Gây chú ý không đúng cách: Dùng font màu mè, font lạ để đập vào mắt nhà tuyển dụng. Cách này thường gây tác dụng ngược. Họ có thể quăng CV của bạn vào sọt rác không thương tiếc.
  • Chém gió: Mình từng gặp trường hợp có bạn chém gió về số năm đi làm + công nghệ mình biết trong CV. Tới lúc PV, bị vặn hỏi thì bạn bảo là: mình làm part time, công nghệ ABC gì đó mình hiểu nhưng chưa làm bao giờ … Nhiêu đó là quá đủ để rớt đài rồi nhỉ. Hãy nhớ rằng mục đích của CV chỉ là giúp bạn qua được vòng gửi xe, được mời phỏng vấn thôi, chứ không giúp bạn có được việc làm ngay đâu nhé.

Nếu mọi chuyện đều ổn, khoảng 1-5 ngày sau khi gửi CV, bạn sẽ được một/nhiều công ty gọi điện thoại mời đi phỏng vấn. Sau khi nhận điện thoại, hãy kiểm tra hộp mail, sau đó gửi mail xác nhận rằng mình sẽ có mặt tại công ty lúc X giờ, ngày Y để thực hiện phỏng vấn nhé, quên gửi mail là chết đấy.

Một số công ty còn có thêm vòng interview qua điện thoại. Một số công ty lớn (Fsoft, Harvey Nash, …) có cả entry test – bài thi đầu vào dành cho ứng viên, bao gồm: Thi tiếng Anh, kiến thức lập trình cơ bản, các bạn nên chú ý.

Những việc bạn cần làm trước khi đi PV

  • Tìm đường đến nơi PV: Nếu có thể, hay đi ngang nơi phỏng vấn trước đó 1 ngày. Điều này giúp bạn ước lượng được khoảng thời gian đi. Tới hôm phỏng vấn, bạn sẽ khá hồi hộp, lo lắng; biết trước đường tới nơi phỏng vấn sẽ giúp bạn tự tin hơn so với tới hôm PV mới tìm.
  • Tìm hiểu công ty bạn PV: Đây là điều quan trọng nhất mà khá nhiều bạn bỏ sót. Hãy lên trang web của cty đó, xem và ghi nhớ những thông tin quan trọng như: Công ty tập trung vào lĩnh vực nào, môi trường làm việc ra sao, công ty coi trọng những giá trị nào của nhân viên… Biết những điều này, bạn sẽ có cái nhìn tổng quan về công việc mình sắp làm, cũng như ghi điểm với nhà tuyển dụng.
  • Xem xét giá cả thị trường, yêu cầu lương hợp lý: Có một thực tế phũ phàng là, nếu bạn không đòi hỏi mức lương, nhà tuyển dụng sẽ trả cho bạn mức lương thấp nhất có thể (Ai cũng muốn tiết kiệm mà). Mức lương có thể được ghi rõ trong mẫu quảng cáo việc làm, có thể không. Bạn có thể tham khảo mức lương từ những người quen làm công ty đó, hoặc người quen có vị trí tương đương vị trí bạn muốn apply (VD bạn muốn apply vị trí senior dev, bạn có thể hỏi người quen làm senior dev để biết khoảng lương).
  • Ôn lại kiến thức: Xem lại kiến thức cơ bản về lập trình, OOP, tiếp theo là những kiến thức liên quan đến phần mà nhà tuyển dụng yêu cầu (C#, Java, SQL, MVC, Struts, …). Bạn có thể google C# interview questions hoặc tương tự để tìm những câu hỏi phỏng vấn hay được hỏi. Bạn nên dành 3-5 ngày cho việc này.

Quy trình phỏng vấn

Như mình đã nói ở đầu bài, quy trình phỏng vấn ở các công ty thường khác nhau, tuy nhiên nó thường bao gồm các bước sau.

Phone interview hoặc entry test

Đây là vòng để sàng lọc ứng viên, tiết kiệm thời gian cho nhà tuyển dụng. Bạn sẽ bị hỏi một số kiến thức cơ bản về ngôn ngữ, framework mình ghi trong CV (C#, MVC, …). Qua buổi phỏng vấn ngắn (20-30p), người phỏng vấn sẽ quyết định có nên mời bạn đến cty phỏng vấn hay không

Face interview – Vòng quan trọng nhất

Nếu mọi chuyện êm xuôi, bạn sẽ tới công ty để phỏng vấn. Hãy nhớ rằng đây cũng là cơ hội để bạn phỏng vấn ngược lại nhà tuyển dụng. Bạn có thể quan sát công ty để có cái nhìn tổng quan về không khí làm việc, môi trường làm việc. Dưới đây là những câu hỏi bạn sẽ được hỏi khi phỏng vấn:

  • Giới thiệu bản thân? Bạn có thể nói sơ về số năm kinh nghiệm, sở thích về công nghệ, vị trí muốn làm (Khoảng 2p thôi nhé).
  • Hãy nói về 1 project bạn đã làm? Bạn làm vai trò gì? Người PV sẽ hỏi khá kĩ về cấu trúc project, công việc bạn làm, khó khăn bạn gặp phải, cũng như cách xử lý. Họ sẽ đánh giá được nhiều điều từ bạn qua câu hỏi này.
  • Một loạt các câu hỏi technical liên quan tới những gì bạn ghi trong CV. Bạn sẽ được hỏi từ backend (Database, SQL, Entity Framework, LINQ, Delegate), cho tới front end (HTML, CSS, jQuery, AngularJS,…), và những điều liên quan tới framework (MVC routing, model mapping, …). Ngoài những câu lý thuyết, có thể bạn sẽ được yêu cầu giải quyết vấn đề. Vd: Anh muốn submit một form bằng Ajax phải thế nào?
  • Một loạt câu hỏi liên quan đến OOP, kiểu dữ liệu, thuật toán v..v. Đây là những câu hỏi về kiến thức fundamental, dùng để đánh giá kiến thức nền tảng của bạn, không liên quan đến ngôn ngữ hay framework nhé. Có thể bạn sẽ bị bắt viết code trên giấy hoặc trên máy để giải một số câu hỏi đánh giá trình độ.
  • Một số câu hỏi cá nhân để không khí bớt căng thẳng: Bạn có sở thích gì? Bạn có điểm yếu điểm mạnh gì? Cứ trả lời thành thật nhé. Người PV không chỉ đánh giá bạn qua khả năng kĩ thuật, mà còn đánh giá qua thái độ làm việc, thái độ trả lời câu hỏi. Có nhiều câu hỏi bạn không biết, nhưng nếu cố gắng trả lời, thể hiện thái độ muốn học hỏi bạn vẫn sẽ được đánh giá cao nhé.
  • Cuối buổi phỏng vấn, bạn sẽ được hỏi câu cuối cùng: Bạn có câu hỏi gì không? Mình khuyên các bạn nên hỏi về những điều sau đây: Môi trường làm việc ra sao, có bắt OT không? Chính sách review tăng lương tăng thưởng thế nào? Công ty có tổ chức seminar hay chính sách gì để giúp nhân viên phát triển không?. Những câu hỏi này sẽ thể hiện bạn có tinh thần làm việc nghiêm túc, biết suy nghĩ đến tương lai.

Người PV bạn có thể là PM, Team Leader của một dự án. Nếu mọi chuyện ok, bạn sẽ phỏng vấn với quản lý, nhân sự hoặc chính người PV để đàm phán về lương bổng cũng như thời gian bạn có thể bắt đầu đi làm. Sau khoảng 2-10 ngày làm việc, bạn sẽ nhận được điện thoại, mail thông báo kết quả PV. Nếu bạn được nhận, mail có thể đính kèm offer letter. Bạn nhớ chuẩn bị đầy đủ giấy tờ để nộp cho phòng nhân sự vào ngày đầu tiên đi làm của mình nhé.

* Sau buổi phỏng vấn, nhớ gửi một email cảm ơn cho người đã phỏng vấn mình. Đây là một điều nho nhỏ, hiệu quả lại lơn lớn mà các bạn thường “quên” không làm.

Tin tức khác