Học công nghệ thông tin khó không?

9/18/2020 10:01 AM | Kiến thức

Hẳn là các bạn học sinh mới tốt nghiệp để lựa chọn cho mình một ngành ưa thích theo học và làm sẽ không hề dễ dàng. Với những bạn đã có định hướng sẵn thì không nói làm gì. Còn những bạn chưa tìm ra được cho mình một ngành nào phù hợp thì đọc thử bài này xem. Biết đâu lại tìm ra được cho mình một định hướng mới tươi sáng tốt đẹp hơn. 

1. Học công nghệ thông tin là học cái gì?

2. Học công nghệ thông tin khó không?

3. Học xong ra làm gì?

4. Mức lương công nghệ thông tin mới ra trường là bao nhiêu?

5. Học công nghệ thông tin dễ xin việc không?

6. Nên học công nghệ thông tin ở trường nào?

Có rất nhiều câu hỏi được các bạn trẻ và bậc phụ huynh đặt ra khi lựa chọn ngành, trường để bắt đầu một hành trình mới. Và mình sẽ lần lượt trả lời hết những câu hỏi trên.

 

I. Công nghệ thông tin là gì? 

Công nghệ Thông tin (IT – Information Technology hay là IT) là một nhánh ngành kỹ thuật sử dụng máy tính và phần mềm máy tính để chuyển đổi, lưu trữ, bảo vệ, xử lý, truyền tải và thu thập thông tin.

Công nghệ thông tin thường chia thành 5 chuyên ngành phổ biến, gồm: Khoa học máy tính, kỹ thuật máy tính, hệ thống thông tin, mạng máy tính truyền thông và kỹ thuật phần mềm. Ngành công nghệ thông tin trải rộng trên nhiều lĩnh vực từ viễn thông, hàng không, ngân hàng, giải trí cho tới an ninh quốc phòng. Đây chính là một trong những lí do mà ngành học này vẫn chưa chịu “hạ nhiệt” suốt hơn hơn thập kỉ qua.

II. Học công nghệ thông tin là học cái gì?

Học ngành Công nghệ thông tin, sinh viên được trang bị các kiến thức nền tảng về khoa học tự nhiên, kiến thức cơ bản như mạng máy tính, hệ thống thông tin, lập trình, phần mềm… Đồng thời tùy chương trình đào tạo của từng trường đại học, người học sẽ được chọn học các chuyên ngành phù hợp với năng lực, sở thích như Công nghệ phần mềm, Khoa học máy tính, Hệ thống thông tin, An toàn thông tin, Mạng máy tính và truyền thông... 
Đi sâu vào các chuyên ngành này, các bạn sẽ có cơ hội tiếp cận những kiến thức liên quan đến nghiên cứu phát triển, gia công hay ứng dụng hệ thống phần mềm; kiến thức về thiết kế, xây dựng, cài đặt, vận hành và bảo trì các thành phần phần cứng, phần mềm của hệ thống máy tính và các hệ thống thiết bị dựa trên máy tính; kiến thức về bảo mật hệ thống thông tin....Ra trường đảm bảo khả năng thực hành nghề nghiệp và đáp ứng yêu cầu công việc ở từng lĩnh vực cụ thể.

III. Học công nghệ thông tin khó không?

Nếu so sánh với ngành Tài chính ngân hàng, Kế toán, Marketing hay Báo chí,… thì CNTT luôn đòi hỏi rất cao ở SV khả năng tự học, tự tìm hiểu, nâng cao kiến thức và khả năng tư duy logic.

Theo đó, Công nghệ thông tin (CNTT) thường được chia thành các chuyên ngành như Mạng máy tính & Viễn thông, Khoa học máy tính, Kỹ thuật phần mềm, Hệ thống thông tin, mới đây nhất thì có thêm 2 ngành cực HOT đó là Trí tuệ nhân tạo(AI) và Internet vạn vật (IoT). Dù chọn chuyên ngành nào thì lượng kiến thức trong sách vở, giáo trình của nhà trường chắc chắn sẽ không bao giờ là đủ cho một cử nhân CNTT. Vì vậy, SV CNTT phải tự ý thức được ngành mình học có đặc thù riêng, bản thân phải có trình độ thật sự thì mới hi vọng thành công.

Như vậy việc học Công nghệ thông tin (CNTT) khó hay dễ còn phụ thuộc rất lớn vào khả năng nỗ lực của sinh viên. Ngoài ra, cũng phụ thuộc vào môi trường đào tạo, nếu như bạn chọn trường đào tạo công nghệ thông tin không có đủ uy tín cũng như chất lượng không được đảm bảo sẽ để lại những hệ lụy khôn lường:

Những tố chất cần thiết của sinh viên để theo học ngành Công nghệ thông tin?

1/ Tính cẩn thận trong công việc: Vì chỉ cần bất cẩn trong một dòng mã lệnh lập trình, phân tích một vấn đề không hợp lý hay sơ suất nhỏ trong chế tạo, lắp ráp thiết bị cũng có thể gây ảnh hưởng đến một ứng dụng, chương trình hay cả hệ thống, công ty.

2/ Kiên trì, nhẫn nại: Làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin thường xuyên phải đối mặt với những bài toán hóc búa nên rất cần sự nhẫn nại, kiên trì, chịu khó. Nhẫn nại trong ngành Công nghệ thông tin còn có nghĩa là bạn không dễ dàng bỏ cuộc tìm ra giải pháp công nghệ mới dù trước đó có thất bại.

3/ Ham học hỏi, trau dồi kiến thức: Công nghệ thay đổi và phát triển liên tục, những kiến thức hôm nay có thể ngay ngày mai đã trở thành lỗi thời. Ngành Công nghệ thông tin do đó cần bạn liên tục trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ để không bị tụt hậu so với thế giới.

4/ Khả năng làm việc theo nhóm: Công nghệ thông tin là ngành đặc biệt đề cao khả năng làm việc theo nhóm (team-work). Làm việc theo nhóm không những giúp bạn giảm bớt gánh nặng và độ phức tạp của công việc, mà hơn thế, còn giúp bạn hoàn thành công việc nhanh hơn, hiệu quả hơn.

5/ Kỹ năng ngoại ngữ: Ngành Công nghệ thông tin và mạng Internet mang tính toàn cầu, do đó để trở thành chuyên gia Công nghệ thông tin giỏi, bạn phải khá thông thạo ngoại ngữ, đặc biệt là kỹ năng đọc hiểu.

6/ Niềm đam mê Công nghệ thông tin – Tố chất quan trọng nhất: Nếu bạn chẳng ngại ngần gì khi phải ngồi hàng giờ bên máy vi tính để viết 1 phần mềm, hoàn thiện 1 giải pháp, và càng không ngại ngần khi phải thực hiện lại cả công trình mà bạn đã đổ sức vào đó hàng tháng trời, thì thành công đang chờ đón bạn.

IV. Học công nghệ thông tin dễ xin việc không?


 

Mặc dù thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng vừa phải chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch covid-19. Làm cho tỉ lệ thất nghiệp các nước gia tăng. Nhưng không vì thế mà độ hot của ngành công nghệ thông tin giảm. Mà ngược lại sau một thời gian chống dịch thì nhu cầu sử dụng công nghệ của con người cao hơn bao giờ hết. Ngành Công nghệ thông tin đã và đang là ngành có nhu cầu nhân lực rất lớn trong giai đoạn hiện nay và trong rất nhiều năm tới.

Theo Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay, tổng số nhân lực trong ngành công nghệ thông tin hiện nay là hơn 600.000 người, trong đó số lao động đang làm việc trong các ngành công nghiệp phần cứng – điện tử là khoảng 300.000 người. Số còn lại thuộc về lĩnh vực công nghiệp phần mềm và công nghiệp nội dung số. Cũng theo Báo cáo này, Việt Nam cần khoảng 1,2 triệu nhân lực công nghệ thông tin.

V. Học xong ra làm gì? Mức lương sinh viên mới ra trường là bao nhiêu?

Mức lương lập trình viên lúc phổ biến từ khi mới ra trường/chưa có kinh nghiệm đến nhân viên là từ hơn 5,64 triệu đồng đến 11,25 triệu đồng. Thường khi bạn là lập trình viên mới ra trường thì mức lương của bạn sẽ từ 5 - 6 triệu / tháng, trường hợp nếu như bạn đã có vài năm kinh nghiệm từ việc tham gia các dự án ngoài thì sẽ có mức lương cao hơn, từ 6 - 10 triệu/tháng hoặc thậm chí là tính theo USD chứ không phải theo VND nữa (Số liệu thống kê khảo sát từ Internet).

  •          Đối với các lập trình viên mới ra trường & junior level, mức lương khoảng 5-8 triệu/tháng.
  •          Đối với các lập trình viên có kinh nghiệm, senior level từ 3-5 năm thì mức lương trung bình khoảng 15-20 triệu/tháng.
  •          Đối với các lập trình viên chinh chiến 5-7 năm, trung bình khoảng 20-30 triệu/tháng.
  •          Trên 7 năm, con số này dao động khá nhiều, và tuỳ vào tố chất và năng lực phát triển các hướng lâu dài của mỗi lập trình viên

Bạn có thể làm những công việc sau khi tốt nghiệp các trường công nghệ thông tin

1. Lập trình viên Công nghệ thông tin - IT programmer

Lập trình viên tạo ra, kiểm thử và xử lý các vấn đề của chương trình máy tính, họ cũng là người nâng cấp và sửa chữa chương trình đó. Hầu hết lập trình viên làm việc trong công ty lập trình thiết kế và bán phần mềm,…

Mức lương tại Mỹ là từ 51,500 USD tới 88,000 USD.

2. Chuyên gia phân tích hệ thống - System Analyst

Các chuyên gia tuân thủ các bước đã được mô tả trong vòng đời hệ thống. Họ sẽ lên kế hoạch khảo sát , phân tích, thiết kế, phát triển, triển khai và bảo trì các tài nguyên máy tính của công ty để sử dụng một cách tốt nhất.

Mức lương tại Mỹ là từ 54,500 USD tới 87,500 USD.

3. Quản trị cơ sở dữ liệu - Database Administrator

Họ sử dụng các phần mềm quản trị cơ sở dữ liệu, để xác định cách thức tổ chức và truy cập dữ liệu của công ty một cách hiệu quả nhất, đảm bảo tính bảo mật của cơ sở dữ liệu và sao lưu hệ thống. Quản trị cơ sở dữ liệu là một ngành đang phát triển nhanh chóng và hứa hẹn tạo ra nhiều việc làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Mức lương tại Mỹ là từ 48,500 USD đến 85,500 USD.

4. Nhà quản lý hệ thống thông tin - Information System Manager

Nhà quản lý sẽ giám sát công việc của những lập trình viên, nhà phân tích hệ thống và các chuyên gia máy tính khác. Nhà quản lý hệ thống thông tin thường dành cho những ai đã từng làm cố vấn hoặc quản lý trước đó.

Mức lương tại Mỹ là từ 79,000 USD tới 129,000 USD.

5. Chuyên gia mật mã - Cryptographer

Mật mã học (cryptography) là ngành khoa học che giấu và khôi phục lại thông tin đã được che giấu hay mã hóa. Chuyên gia mật mã (cryptographer) là người thiết kế hệ thống mật mã, phá vỡ hệ thống mật mã và thực hiện các nghiên các nghiên cứu về mật mã, những công việc vốn thuộc về trách nhiệm của kỹ sư bảo mật thông tin hay nhà quả trị mạng.

Có rất nhiều chuyên gia mật mã làm nhà tư vấn về mật mã, và luôn có những vị trí làm việc dành cho họ trong Chính phủ hay một số tập đoàn lớn.

Chuyên gia bảo mật tại Mỹ có mức lương từ 60,000 USD tới hơn 100,000 USD.

6. Quản trị mạng - Network Administrator

Là nhân viên quản lý các mạng LAN và WAN của công ty. Họ có trách nhiệm thiết kế, thực hiện cài đặt và duy trì sự hoạt động của các mạng nói trên, chuẩn đoán và khắc phục các sự cố liên quan đến mạng.

Đây là một trong số công việc được dự đoán sẽ có số lượng việc làm tăng nhanh nhất trong tương lai.

Mức lương tại Mỹ là từ 48,500 USD đến 79,000 USD.

7. Kỹ sư phần mềm - Software Engineer

Kỹ sư phần mềm có nhiệm vụ phân tích yêu cầu người dùng và tạo ra phần mềm ứng dụng. Họ thường có nhiều kinh nghiệm lập trình, tập trung vào nhiệm vụ thiết kế và phát triển phần mềm dựa trên các nguyên lý toán học hay kỹ thuật. Họ ít khi tự mình viết mã cho chương trình.

Các khóa thực tập trang bị cho sinh viên một số kinh nghiệm mà nhà tuyển dụng mong muốn ở một người kỹ sư phần mềm. Các ứng viên am hiểu về mạng, Internet và các ứng dụng web sẽ có lợi thế hơn.

Mức lương tại Mỹ là từ 63,000 USD đến 98,500 USD.

8. Quản trị Web - Webmaster

Phát triển và duy trì trang web cũng như các tài nguyên của trang web. Thông thường, công việc này bao gồm trách nhiệm sao lưu trang web công ty, cập nhật tài nguyên hoặc là xây dụng các tài nguyên mới, thiết kế và phát triển trang web, giám sát lưu lượng truy cập trên trang web và tìm biện pháp để khuyến khích người sử dụng ghé thăm trang web.

Quản trị web cũng có thể cộng tác với nhân viên marketing để tăng lưu lượng truy cập trang web và có thể tham gia vào việc phát triển quảng cáo trên trang web. Những người có kinh nghiệm sử dụng các phần mềm phát triển web như Adobe Illustrator và Adobe Flash thường được ưu tiên tuyển dụng. Các kỹ năng giao tiếp và tổ chức tốt cũng quan trọng cho vị trí này.

Mức lương tại Mỹ là từ 49,500 USD đến 82,500 USD.

9. Kỹ thuật viên máy tính - Computer Technicians

Sửa chữa, cài đặt hệ thống và các thành phần máy tính, làm việc trên mọi loại thiết bị, từ máy tính cá nhân, máy chủ đến máy in. Một số kỹ thuật viên máy tính có trách nhiệm cài đặt hoặc duy trì mạng máy tính. Cùng với sự phát triển của công nghệ, các thiết bị máy tính sẽ trở nên phức tạp hơn, do đó, nhu cầu về công việc trong lĩnh vực này sẽ ngày càng tăng.

Mức lương tại Mỹ là từ  13.5 tới 22.5 USD một giờ.

10. Chuyên viên viết tài liệu kỹ thuật - Technical Writer

Các chuyên viên chuẩn bị tài liệu hướng dẫn, báo cáo kỹ thuật và văn bản khoa học hay kỹ thuật khác. Hầu hết các chuyên viên viết tài liệu kỹ thuật làm việc cho các công ty máy tính, cơ quan Chính phủ hoặc viện nghiên cứu. Họ chuyển thông tin kỹ thuật thành những hướng dẫn hoặc bản tóm tắt dễ hiểu.

Mức lương tại Mỹ là từ  46,500 USD đến76,500 USD mỗi năm.

VI. Nên học công nghệ thông tin ở trường nào?

Ở Việt Nam thì có rất nhiều trường đại học, cao đẳng, trung cấp dạy công nghệ thông tin. Mình sẽ liệt kê một số trường có danh tiếng trong lĩnh vực đào tạo công nghệ thông tin HCM.

1/ Đại học Công Nghệ Thông Tin - Đại học Quốc Gia HCM

2/ Đại học Bách Khoa - Đại học quốc gia HCM 

3/ Đại học Khoa Học Tự Nhiên - Đại học quốc gia HCM

4/ Đại học Sư Phạm Kỹ Thuật

5/ Đại học FPT

VII. Các công ty công nghệ thông tin hàng đầu Việt Nam

1. Fpt Software

2. Viettel

3. Tập đoàn công nghệ CMC

4. VNG

5. BKAV

6. VCCorp

7. VNP

8. Intel Corporation

9. NetLink

10. Cốc Cốc.

Hiện tại bài này cũng khá dài rồi. Mình sẽ viết thêm 1 bài mô tả chi tiết các công ty trên. Hẹn gặp lại các bạn.

Bài viết liên quan: Học tới khi nào là xong, có thể đi làm được? Làm sao để đi xin việc, đi phỏng vấn, xin thực tập

Bài viết tham khảo từ nhiều nguồn trên internet

Tin tức khác